Phương pháp thường thấy trong các sách giáo khoa, tại các lớp học và trên Internet là học cụm động từ theo động từ gốc. Chẳng hạn, chỉ cần gõ từ khóa “Cụm động từ với TAKE” (Phrasal verb with TAKE), Google sẽ trả ra vô số kết quả chỉ trong chưa đến một giây. Cách học này thoạt nhìn có vẻ đầy đủ, chi tiết, song thực chất lại là cách tệ nhất để học cụm đồng từ. Nguyên nhân là bởi chúng ta đang cố gắng nhồi nhét vào đầu một cách thụ động nhằm ghi nhớ một loạt các cụm từ trông có vẻ giống nhau nhưng lại có ngữ nghĩa hoàn toàn khác biệt. Đặc biệt, giữa các cụm động từ này cũng hiếm khi có các mối liên hệ logic để người học tiện ghi nhớ, khiến quá trình học từ vựng trở nên máy móc và kém hiệu quả.
VD: get up (tỉnh dậy và rời giường), get over (hồi phục, vượt qua), get on with (có mối quan hệ tốt với), v.v.
Không thể phủ nhận phương pháp này sẽ rất hiệu quả với những người có trí nhớ và khả năng học nhồi (cram study) tốt. Tuy nhiên, với đa số người học ngoại ngữ, cách học này trở nên phản tác dụng khi ta phải nạp vào não bộ quá nhiều từ vựng mỗi ngày, nhưng lại không có nhiều cơ hội luyện tập và sử dụng chúng trong thực tế. Thậm chí, nhiều từ vựng hiếm khi xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày cũng vẫn được liệt kê vào các danh sách từ vựng chỉ để “cho dài”. Kết quả là, người học sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa các từ “na ná” nhau, dẫn đến ngày càng “sợ” động từ phức/ cụm động từ.
VD: put off (hoãn) - call off (hủy)
Tương tự như sai lầm số (2), nhiều người cũng thường mắc phải sai lầm số (3) khi cố gắng ghi nhớ tất cả ý nghĩa của một động từ phức/ cụm động từ. Với những động từ chỉ có từ một vài nét nghĩa, việc ghi nhớ này sẽ rất cần thiết để phân biệt các trường hợp sử dụng khác nhau của động từ. Tuy nhiên, với những động từ phức/ cụm động từ có đến 9, 10 nét nghĩa khác nhau thì việc học như vậy sẽ khiến người học bị quá tải. Hơn nữa, chỉ một vài ý nghĩa được sử dụng thường xuyên trong thực tế, do đó việc học thuộc toàn bộ là không cần thiết.
VD: make up (1. Bịa chuyện; 2. Tổng cộng; 3. Tạo thành; 4. Bù đắp; 5. Trộn; 6. Dọn giường; 7. Làm hòa; 8. Trang điểm; v.v.)
Với việc chạy theo số lượng hơn chất lượng, nhiều người học chỉ quan tâm ghi nhớ từ vựng và ý nghĩa của chúng, vô tình bỏ qua các cách sử dụng và ví dụ cụ thể. Tuy nhiên, các động từ phức/ cụm động từ đa phần đều mang nhiều nét nghĩa, do đó nếu chỉ “học chay” thì sẽ không nắm được các ngữ cảnh mà chúng được sử dụng. Khi áp dụng vào thực tiễn, chúng ta cũng dễ trở nên lúng túng, rơi vào tình trạng biết từ nhưng vẫn không đặt được câu hoàn chỉnh và không thể truyền đạt đúng ý kiến của bản thân.